Tăng chế tài xử phạt khai thác hải sản IUU (14-05-2024)

Tăng chế tài xử phạt khai thác hải sản IUU (14-05-2024)

 
Theo Báo Chính phủ, viêc thực thi các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các địa phương đang được chấn chỉnh mạnh mẽ bằng các chế tài xử phạt, đồng hành với công tác vận động tuyên truyền.
Tăng chế tài xử phạt khai thác hải sản IUU
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt trên 90 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Từ ngày 1/10/2023 đến 30/3/2024, đã phát hiện, thông báo 115 lượt tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển (giảm 327 lượt tàu so với thời điểm thanh tra lần thứ 4); đã phát hiện, thông báo 2.200 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển; đã phát hiện, thông báo 14 trường hợp vượt ranh giới cho phép biển...

Ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngay sau đó, ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; có nhiều điểm mới so với Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019. Việc hoàn thiện, bổ sung các chế tài xử lý thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tạo sự răn đe, giáo dục rất nghiêm trong cộng đồng ngư dân.

Cụ thể: Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện một số thủ tục hành chính thông thoáng hơn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở: áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến (khoản 9 Điều 4 Nghị định 26); đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè (Điều 36 Nghị định 26); công bố mở, đóng cảng cá (Điều 61 Nghị định 26).

Trong khi đó, “Mục 5. Vi phạm quy định về khai thác thủy sản” của Nghị định 38/2024/NĐ-CP bổ sung một số hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản; Theo đó, một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu. Quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng nhằm tăng tính răn đe (có thể phạt tiền tới 700 triệu đồng). Bên cạnh đó, Nghị định 38 quy định rõ “ Ranh giới vùng biển được phép khai thác thủy sản là vùng biển đã được phân định để tàu cá Việt Nam khai thác hợp pháp, được thể hiện trên hệ thống giám sát tàu cá và thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá”. Đồng thời, Nghị định 38 cũng đưa chủ tàu vào đối tượng chịu chế tài: “Chủ tàu cá thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 38 bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân”.

Nghị định 38 quy định bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể trường hợp (i) chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì từng đối tượng vi phạm đều bị áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tương ứng đối với đối tượng và hành vi vi phạm hành chính đó; (ii) chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng tàu cá thì chỉ áp dụng hình thức xử phạt chính đối với thuyền trưởng tàu cá và áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các văn bản quy phạm pháp luật đã có, các vướng mắc trong các văn bản này sẽ được giải quyết thông qua Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thuỷ sản. Các công cụ pháp lý đã rõ ràng, Trung ương đã nỗ lực thì tất cả địa phương cũng phải vào cuộc để gỡ "thẻ vàng IUU".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận: "Đoàn thanh tra của EC sẽ đòi hỏi sự thực thi ở ngoài thực địa, ở cấp độ địa phương. Khi tiếp xúc với ngư dân, họ đều bộc bạch rằng trữ lượng cá ngày càng giảm đi do cách khai thác, thậm chí mang tính tận diệt như sử dụng mắt lưới nhỏ, dùng thuốc nổ… Việc chống khai thác IUU là “điều kiện cần” phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản của Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu.

Chống khai thác hải sản IUU là con đường ngắn, sau đó còn rất nhiều việc phải làm vì nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau. Nếu không nghĩ đến con đường dài thì chính chúng ta đang làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng nghèo nàn. Do đó, chủ trương của Chính phủ là phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Đó mới là con đường dài của ngành Thủy sản Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen