Đông Hải là một trong những địa phương đi đầu trong nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu. Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 38.500 ha, hằng năm cho sản lượng hơn 60.000 tấn, trong đó sản lượng tôm là hơn 33.000 tấn, cá và thủy sản khác sản lượng hơn 26.000 tấn. .
Trong những năm qua, người dân đã chuyển sang nuôi thủy sản kết hợp theo hình thức tôm – cua – cá đã đem lại hiệu quả kinh tế khá bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế của định phương. Theo tính toán, tổng chi phí sản xuất cho 01 vụ nuôi là 20 – 30 triệu đồng/ha/năm, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận mang lại rất khả quan, từ 50 – 60 triệu đồng (trong đó tôm sú chiếm 60%, cua 30%, cá chiếm 10%). Trong quá trình nuôi người dân không sử dụng hóa chất, kháng sinh, mật độ nuôi hợp lý đã góp phần tiết kiệm chi phí vụ nuôi, thủy sản khi xuất bán có giá cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với các hình thức khác.
Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm tối đa các khoản chi phí đầu tư và thiệt hại so với nuôi công nghiệp, đồng thời còn nuôi thêm được nhiều loại thủy sản khác trên cùng một đơn vị diện tích giúp tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp lúa, cua, cá, tôm, rừng là mô hình chủ lực của huyện Đông Hải.
Đối với hình thức nuôi này, để nâng cao hiệu quả, hiện nay người dân cần ứng dụng khoa học kỷ thuật vào nuôi trồng, sử dụng chế phẩm sinh học, tăng cường quản lý vào sản xuất thực tế, áp dụng các hình thức nuôi tôm – cua sinh thái, thân thiện với môi trường; nhờ đó, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, có giá thương phẩm cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.
Để hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm – cua theo hình thức quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp nói riêng, huyện Đông Hải đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, thực nghiệm các mô hình trình diễn với quy trình nuôi tiên tiến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện Đông Hải cũng tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp trong công tác quản lý chất lượng, giá bán các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc thủy sản…), chủ động đề xuất sên vét hệ thống thủy lợi.