Công nghệ khai thác bền vững

(Thủy sản Việt Nam) - Sử dụng các công nghệ khai thác hợp lý và hiện đại không chỉ giúp nâng cao hiệu quả khai thác mà còn tránh tình trạng đánh bắt quá mức và bảo vệ nguồn lợi cho tương lai.

Công nghệ CMR

công nghệ CMR trong khai thác thủy sản

Đây là công nghệ có thể hỗ trợ trong việc chọn lọc, phân cỡ và vây bắt các loại thủy sản. CMR là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài của Viện Nghiên cứu biển (Institute of Marine Research), dựa trên các phân tích tiên tiến của các dữ liệu âm thanh biển. Nhờ có sự tương tác này đã giúp cho phần mềm có thể phân loại các dữ liệu âm thanh đa tần số thành những loại khác nhau. Trong phần mềm SEAT, thông tin này được chuyển tới hệ thống dây dẫn được điều khiển bởi chương trình mã màu và từ đó giúp tàu khai thác có thể tập trung vào các ngư trường đánh bắt cá sạch; cùng đó, phần mềm DABGRAF sử dụng âm thanh băng rộng để ước tính sự phân bố cỡ cá. Sau đó, hệ thống sẽ tìm cách xác định và chọn lọc được nhóm cá nằm trong phạm vi cho phép khai thác và loại bỏ các loại cá chưa đủ kích cỡ. Ngoài ra, trong công nghệ CMR, còn gắn một thiết bị thu âm đến hệ thống trên tàu, giúp mở ra những khả năng khác như giám sát từ xa các ngư trường để tìm kiếm cơ hội khai thác mới; từ đó, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và chi phí cho các đội tàu đánh cá.

Công nghệ Precision Seafood Harvesting

Ngành công nghiệp đánh bắt cá của New Zealand đã ra mắt công nghệ có thể mang lại một cuộc cách mạng về cách thức đánh bắt cá trên thế giới. Thiết bị này được sáng tạo nhằm cứu hàng tỷ loài cá và động vật dưới biển bị mắc kẹt trong lưới rồi bị vứt đi mỗi năm.

Công nghệ này không chỉ mang lại hy vọng cho việc đánh bắt cá bền vững mà còn có khả năng cải thiện rất lớn hương vị và chất lượng món cá. Công nghệ này có thể gọi là “thu hoạch chính xác thủy sản” được xem là công nghệ hiện đại đầu tiên trên thế giới và là phát minh của Alistair Jerrett từ Cơ quan Nghiên cứu thực vật và thực phẩm New Zealand. Thu hoạch chính xác thủy sản sẽ cho phép toàn bộ cá đánh bắt được bơi thoải mái dưới nước bên trong một lưới PVC lớn linh hoạt, nơi nó có thể phân loại chính xác loài và kích thước trước khi đưa lên boong tàu. Công nghệ nhằm mục tiêu vào các loài và kích cỡ cụ thể, tăng cường bảo vệ các loài có kích cỡ nhỏ hơn, không phải mục tiêu đánh bắt có thể thoải mái thoát ra ngoài thông qua “cổng thoát hiểm”.

Công nghệ sóng siêu âm

Công ty Kongsberg Maritime của Na Uy, Viện Nghiên cứu biển và Tổ chức SIMRAD (Na Uy) đã phát triển một công nghệ có khả năng xác định kích thước của các ngư trường, các loại cá và kích cỡ cá. Công nghệ này góp phần làm cho ngành công nghiệp đánh bắt cá thân thiện hơn với môi trường, bền vững và vẫn mang lại lợi nhuận. Bởi, khi ngư trường đánh bắt được xác định chính xác sẽ giúp cho khả năng vây lưới tốt hơn. Thông tin về loài và kích thước của cá được xác định, giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu; đồng thời, ngăn chặn được tình trạng các loài cá và động vật biển bị mắc kẹt trong lưới đánh bắt rồi bị vứt đi.

công nghệ sóng siêu âm trong khai thác thủy sản

Công nghệ này là một phần chương trình của hệ thống tích hợp đã được phát triển bao gồm một máy ảnh dưới nước, tàu đánh cá và sóng truyền âm, giúp cung cấp thông tin cho các tàu cá những loài cá đang được đánh bắt, kích thước và làm thế nào để các tàu có thể đánh bắt. Tại Na Uy, công nghệ này đã được ứng dụng và phát triển. Trong tương lai, nó dần dần giúp ngành công nghiệp đánh bắt cá trên thế giới để trở nên hiệu quả hơn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Thay đổi tư duy

Mới đây tại hội nghị chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong khai thác thủy sản khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, Tổng cục Thủy sản cho rằng: Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản cần phải cập nhật và phát hành các bản đồ phân bố đàn cá theo mùa, theo tháng ở các vùng biển; sử dụng tàu cá bằng vật liệu mới, thiết kế phù hợp với các ngành nghề của ngư dân. Đối với ngư lưới cụ và công nghệ khai thác, cần sử dụng lưới dệt không rút để chế tạo lưới vây dài 1.200 - 1.500 m, cao 150 - 200 m trên tàu lưới vây để khai thác cá ngừ đại dương. Vàng lưới có thể mua nguyên bộ từ Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc thi công trong nước dựa trên các bản vẽ thiết kế của nước ngoài và sử dụng kỹ thuật câu cá ngừ ở tầng nước sâu 100 - 300 m để khai thác cá kích thước lớn… Đối với hoạt động sơ chế, bảo quản, tiếp tục áp dụng các thiết bị làm cá chết nhanh, nâng cấp cải tạo lại hầm bảo quản đảm bảo nhiệt độ phù hợp.

>> Khai thác thủy sản hướng tới bền vững là xu hướng chung của toàn thế giới, trong đó việc tìm ra các công nghệ thông minh có thể ứng dụng cho các tàu khai thác là việc làm vô cùng quan trọng. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tương lai và thân thiện với môi trường.

Hoàng Ngân (Tổng hợp)

Nguồn: http://thuysanvietnam.com.vn/cong-nghe-khai-thac-ben-vung-article-16052.tsvn