Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng hiện nay, 9 tỷ USD là mục tiêu khả thi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021.
Ảnh minh họa
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh tiêm vaccine, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nay đến hết năm 2021 có không ít thuận lợi, nhất là tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Cá tra, tôm là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu gia tăng đáng kể. Sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng là yếu tố quan trọng làm nên kết quả khả quan trong xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.
Ấn tượng hai mặt hàng chủ lực
Kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt cao nhờ sự góp phần rất lớn của hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra.
Đối với mặt hàng tôm, thị trường tôm nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Sản lượng tôm thẻ tiếp tục tăng nhanh ở hầu hết các cỡ nên giá tôm thẻ tiếp tục xu hướng giảm. Dự báo nhu cầu thủy sản sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ. Thị trường tiêu thụ hồi phục tiếp tục tác động đến nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu, chi phối xu hướng tăng giá nguyên liệu. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại (đặc biệt ở những thị trường lớn). Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19.
Tháng 6/2021, xuất khẩu tôm đạt khoảng 402 triệu USD (tăng 15%); Trong đó, tôm chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 15%, tôm biển các loại chiếm 9%. Những nhà nhập khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu tôm, do vậy xuất khẩu sang những thị trường này đạt tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ có đà tăng trưởng hàng tháng ở mức 45 - 46%, Nhật Bản tăng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, Đức tăng 60%. Tuy nhiên, tại thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới là Mỹ (chiếm 30% nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% xuất khẩu tôm Việt Nam), tôm Việt Nam chiếm khoảng 8,5%, đứng sau Ấn Độ (33%), Indonesia (25%) và Ecuador (15%). Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác.
Đối với cá tra, giá cá nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Giá cá nguyên liệu hiện vẫn chỉ tương đương so với chi phí sản xuất (do giá thức ăn liên tục tăng mạnh trong thời gian qua). Nguồn cung ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021. Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường lớn và truyền thống là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, các doanh nghiệp cá tra cũng sẽ lưu ý những thị trường đang phục hồi là Nga và Anh vì nhu cầu đang tăng và không gặp rào cản thị trường.
Cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 16 (POR16). Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) được hưởng thuế suất chống bán phá giá cá tra vào Mỹ bằng 0%. Điều này có nghĩa là cá tra Việt Nam được đón nhận tương đương với các sản phẩm cá da trơn đến từ các thị trường khác, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Với kết quả công bố trên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã giảm bớt áp lực tại các thị trường lớn, đồng thời giảm tải cho các thị trường xuất khẩu khác vẫn đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng COVID-19. Đây chính là điều kiện tốt thúc đẩy lượng cá tra sang Mỹ trong thời gian tới. Hiện Việt Nam vẫn là đối tác cung cấp cá tra đông lạnh hàng đầu cho thị trường Mỹ (chiếm từ 90-95% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của nước này).
Giống như tôm, mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6, đạt trên 150 triệu USD; Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 788 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, thị trường Trung Quốc mặc dù sụt giảm nhưng vẫn là số 1 của xuất khẩu cá tra Việt Nam khi chiếm 26% thị phần. Những ách tắc của thị trường này đang tác động đáng kể đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dự báo xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm khoảng 5-7% trong những tháng tới. Trái lại, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và một số những thị trường nhỏ đang hồi phục mạnh mẽ.
Đối với thị trường châu Âu, dù không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngay trong năm nay nhưng thị trường châu Âu luôn được Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt tháo gỡ “thẻ vàng”, nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ áp dụng những biện pháp mạnh hơn với thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Ngày 24/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về “Cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài”. Trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các đơn vị và địa phương để thực hiện triệt để việc gỡ “thẻ vàng”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là đầu mối trao đổi và xử lý thông tin. Việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin đúng với nhiệm vụ được giao và đảm bảo thông suốt 24/24 giờ trong ngày (bằng các phương thức phù hợp theo quy định của pháp luật).
Triển vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam là mặt hàng hải sản. Nhiều mặt hàng hải sản xuất khẩu trong thời gian qua đã đạt mức tăng trưởng khá lạc quan. Trong tháng 6/2021, xuất khẩu hải sản đạt 312 triệu USD (tăng 21%); Lũy kế 6 tháng đạt 1,6 tỷ USD (tăng 16%); Trong đó, xuất khẩu cá ngừ 364 triệu USD (tăng 24%), xuất khẩu mực, bạch tuộc 277 triệu USD (tăng 15%), các loại cá khác 847 triệu USD (tăng 13%)... Theo nhận định của VASEP, những kết quả xuất khẩu khả quan đến các thị trường trọng điểm và các thị trường khác trong nửa đầu năm 2021 cho thấy đích xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ở mức 8,8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là con số khả thi cho thuỷ sản Việt Nam.