Hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam

Ngày 03/8/2017, Chi cục Thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận thả 3 cá thể đồi mồi ra môi trường tự nhiên tại Khu Bảo tồn biển Hòn Cau Tỉnh Bình Thuận

Đồi mồi thuộc bộ rùa biển Testudines, có tên khoa học là Eretmochelys imbricata. Việc con người săn bắt đồi mồi quá mức đe dọa sự tuyệt chủng của loài này. Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm săn bắt và thương mại các sản phẩm từ đồi mồi vì mọi mục đích. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS ngày 14 tháng 3 năm 2016 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025 để bảo vệ loài này tránh khỏi tuyệt chủng.

           


Ngày 03/8/2017, Chi cục Thuỷ sản thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận thả 3 cá thể đồi mồi ra môi trường tự nhiên tại Khu Bảo tồn biển Hòn Cau Tỉnh Bình Thuận. Hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và cán bộ quản lý về công tác bảo tồn rùa biển. Thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực vận động ngư dân và người chơi sinh vật cảnh giao nộp 3 cá thể đồi mồi, bàn giao cho Chi cục Thuỷ sản Thành phố thả về môi trường tự nhiên.

Nguồn: Chi cục Thuỷ sản Thành phố Hồ Chí Minh

 

*** CITES (viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) hay Công ước Washington (Washington Convention) là một hiệp ước đa phương. Bản thảo của nó được thông qua năm 1963 trong một cuộc họp các thành viên của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1975. Mục đích của công ước này nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. Mặt khác để đảm bảo rằng Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) không bị vi phạm, Ban thư ký GATT được tư vấn trong suốt quá trình soạn thảo.[1]

Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi CITES Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Các cơ quan khoa học CITES bao gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và môi trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu Hải sản.