Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Theo Bộ NN&PTNT, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Mặc dù, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản nhưng Bộ NN&PTNT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước và đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội… Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%. 

Đối với mặt hàng thủy sản, mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA được triển khai thực hiện hiệu quả… Vì vậy, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%; trong đó, khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; nuôi trồng ước đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1% (tôm ước đạt 371 nghìn tấn, tăng 17%).

Toàn ngành đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “Mục tiêu kép”. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Ban cán sự Đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 1244-NQ/BCSĐ và Bộ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-BNN-KH phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Đã tổ chức nhiều Hội nghị/Diễn đàn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành và rà soát kịch bản tăng trưởng ngành để điều chỉnh thích ứng với tình hình, phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản (đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn) trong điều kiện dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá đối với lúa, trái cây hoặc ùn ứ sản phẩm ở biên giới; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc thực hiện VPA/FLEGT để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập, cũng như tiêu thụ trong nước; diễn biến thời tiết khó lường (hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hơn, duy trì trong thời gian dài), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp. Dịch bệnh trên thủy sản có nguy cơ tăng cao, như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm; bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra... 

Đối với ngành thủy sản, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm đó là: Nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản. Theo dõi sát thời tiết, dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản. Phối hợp hoàn thiện hệ thống chứng nhận điện tử để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.

Xây dựng và thực hiện biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý khu bảo tồn biển. Thực thi các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Tập trung triển khai nhiệm vụ Tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số sông, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn

Viết bình luận