MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH KẾT HỢP TRỒNG RAU THỦY CANH

MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÌNH KẾT HỢP TRỒNG RAU THỦY CANH (AQUAPONIC) MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO TẠI HUYỆN BÌNH CHÁNH

          Năm 2015, được sự hỗ trợ từ Chi cục Thủy sản Tp. HCM anh Hồ Thanh Huy, ngụ tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Tp. HCM đã thử nghiệm mô hình nuôi cá chình kết hợp trồng rau thủy canh theo qui trình tuần hoàn nước khép kín (mô hình Aquaponic) trên diện tích 200 m2 phía sau nhà. Anh được chi cục Thủy sản hỗ trợ 500 con cá chình giống (cỡ 30 con/kg) và một phần trang thiết bị hỗ trợ mô hình nuôi thủy sản tại các xã Nông thôn mới của Thành phố. Mô hình gồm 2 bể nuôi tròn với tổng thể tích 18 m3 và diện tích vườn rau là 150 m2. Sau thời gian nuôi 11 tháng, anh thu hoạch được gần 370 kg bán với giá trung bình là 300.000 đ/kg. Cộng với sản lượng rau (Ngò, hành, húng, muống,…) gần 200 kg. Trừ chi phí, mô hình cho lợi nhuận trên 40 triệu đồng.

            Sau vụ nuôi, anh Huy đã nhận ra việc cần thiết phải ứng dụng công nghệ cảm biến tự động vào kiểm soát dòng chảy và thời gian vận hành máy bơm cũng như việc bổ sung thêm hệ vi sinh có lợi vào hệ thống để sự chuyển hóa chất thải từ bể cá tốt hơn đồng thời đảm bảo thời gian cần thiết để các loài cây thủy canh hấp thu triệt để chất dinh dưỡng trong nước. Bước vào vụ nuôi 2016, anh Hồ Thanh Huy đã mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị cần thiết và mở rộng diện tích canh tác lên gần 600 m2 (bao gồm 06 bể cá với tổng thể tích là 54 m3 và 400 m2 vườn rau thủy canh). Anh thả 1.300 con cá chình giống cỡ 30 con/kg. Kết thúc vụ nuôi, sản lượng thu hoạch gần 900 kg cá chình và trên 2.000 kg rau các loại. Trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Anh Huy cho biết, trong quá trình nuôi mặc dù không sử dụng hóa chất, kháng sinh,… nhưng chất lượng nước luôn ổn định, đàn cá phát triển rất nhanh và rau màu cũng cho năng suất tốt. Giá bán cũng được nhiều thương láy thu mua với giá cao do sản phẩm đạt điều kiện cảm quan và vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức khi sản phẩm sản xuất ra phải đạt các yêu cầu như: sản phẩm sạch; giá cạnh tranh; không gây ô nhiễm môi trường, . . . Chính vì vậy, việc ứng dụng mô hình aquaponic thật sự là rất cần thiết vì mô hình là sự kết hợp hoàn chỉnh về mặt công nghệ, tính kinh tế và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường: nuôi thủy sản mật độ cao, rau thu được với sản lượng lớn và đảm bảo chất lượng - an toàn, sử dụng tiết kiệm nước, không thải loại ra môi trường, không sử dụng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Sự thành công của mô hình “Nuôi cá chình kết hợp trồng rau thủy canh theo mô hình tuần hoàn nước khép kín – aquaponic” tại hộ nuôi Hồ Thanh Huy thật sự là điểm sáng cần nhân rộng trong ngành thủy sản, đăc biệt trong điều kiện quỹ đất và nước giới hạn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

          Chuẩn bị cho vụ nuôi 2017, anh Huy đã đầu tư hệ thống nhà màng cho khu vực sản xuất và đăng ký sản xuất theo qui trình vệ sinh an toàn thực phẩm để được Chứng nhận VietGaP trong thời gian sắp tới.

 

Nguồn: Chi cục Thủy sản TP.HCM