Mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế tại các tỉnh Miền Đông Nam Bộ

Từ ngày 19 – 21/6/2019, Chi cục Thủy sản tổ chức tham quan, học tập các đối tượng thủy sản có hiệu quả kinh tế tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho bà con nông dân các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh. Một số mô hình đã tham quan như nuôi tôm càng xanh toàn đực, cá chình, tôm thẻ chân trắng ..., thông tin cụ thể như sau:

Mô hình sinh sản giống thủy sản nước lợ

Công ty TNHH Quốc tế Alpha Group

Địa chỉ: 130 Chi Lăng, phường 12, thành phố Vũng Tàu

Điện thoại: 0965163521

Đối tượng sản xuất: tôm thẻ chân trắng, cá chẽm

Đầu năm 2019, cơ sở đủ điều kiện nhập tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Hawaii cho sản xuất. Lượng tôm thẻ chân trắng giống (PL10 – PL12) sản xuất đạt 2,5 - 3 triệu post/ngày. Năng suất sản xuất tôm thẻ chân trắng ước đạt khoảng 300 triệu/năm, cung cấp cho các tỉnh miền Tây và thành phố Hồ Chí Minh.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực

1.  Hộ Hoàng Văn Bính

Điện thoại: 0907.619.366

Địa chỉ: Xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Tổng quan về cơ sở: tổng diện tích 9.000 m2, gồm: 04 ao nuôi.

Lượng giống thả 95.000 con, mật độ thả 10 con/m2. Thời gian nuôi 04 tháng, kích cỡ tôm thu hoạch 25 con/kg. Thức ăn: 02 tháng đầu cho ăn thức ăn viên dành cho tôm thẻ (độ đạm 40%); 02 tháng sau cho ăn thức ăn tự chế (cá biển, bắp sọ, thức ăn viên). Tổng sản lượng 1,8 tấn trên diện tích 7.000 m2. Năng suất qui đổi đạt 2,57 tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư 122 triệu (giá sản xuất 1 kg tôm càng xanh là 68 ngàn đồng/kg); Tổng thu 288 triệu (giá bán 1 kg tôm càng xanh là 160 ngàn đồng/kg). Tỷ suất lợi nhuận đạt 136% trên vốn đầu tư

2. Hộ Nguyễn Văn Báo

Điện thoại: 0367.650.039

Địa chỉ: Xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Tổng quan về cơ sở: tổng diện tích 27.000 m2, gồm: 05 ao nuôi.

Lượng giống thả 200.000 con, mật độ thả 10 con/m2. Thời gian nuôi 04 tháng, kích cỡ tôm thu hoạch 25 con/kg. Thức ăn: 02 tháng đầu cho ăn thức ăn viên dành cho tôm thẻ (độ đạm 40%); 02 tháng sau cho ăn thức ăn tự chế (cá biển, bắp sọ, thức ăn viên). Tổng sản lượng 4 tấn trên diện tích 20.000 m2. Năng suất qui đổi đạt 2 tấn/ha. Tổng chi phí đầu tư 260 triệu (giá sản xuất 1 kg tôm càng xanh là 65 ngàn đồng/kg); Tổng thu 600 triệu (giá bán 1 kg tôm càng xanh là 150 ngàn đồng/kg). Tỷ suất lợi nhuận đạt 130% trên vốn đầu tư.

Tóm tắt quy trình nuôi:  

* Địa điểm xây dựng

- Ao nên gần nguồn nước ngọt có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm (nước sinh hoạt dân cư, công nghiệp …)

- Chất đất xây dựng ao tốt nhất là đất sét hoặc sét pha cát, tránh các vùng đất phèn (pH < 5)

- Ao gần đường giao thông, lưới điện, xa các khu công nghiệp…

* Xây dựng ao

- Ao có dạng hình vuông hay chữ nhật cân đối

- Diện tích ao khoảng 2.000 – 4.000 m2

- Độ sâu mực nước khoảng 1 – 1,5 m

- Bờ ao: phải đủ cao, chắc chắn giúp cho việc đi lại thuận tiên, chống ngập và tràn bờ khi triều cường cao nhất trong năm

- Đáy ao nên bằng phẳng và dốc về hướng cống thoát

- Cống cấp và thoát nên riêng biệt nhau, đặt chéo nhau ở 2 bờ đối diện

- Cần có lưới lọc ở cống cấp và thoát nước

 

* Chuẩn bị ao

- Tu sửa lại bờ, cống, đắp hang mọi và trang thiết bị cần thiết

- Sên vét bùn đáy nếu lớp bùn quá dày (> 15 cm) và phơi khô

- Tiến hành bón vôi cho ao nuôi thương phẩm

- Cấp nước vào ao

- Gây màu nước

* Con giống

- Sử dụng con giống nhân tạo giống toàn đực (nguồn gốc từ các trại ở miền Tây và địa phương)

- Chất lượng tôm giống phải khỏe mạnh, ngoại hình đầy đặn, không bị nhiễm ký sinh, màu sắc tươi sáng, khả năng phản xạ tốt và bơi ngược dòng

- Kích cỡ tôm giống: 2 – 4 cm/con

- Mật độ thả giống Nuôi toàn đực: 7 – 10 con/m2

   * Thức ăn

- Có thể cho tôm ăn thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế

- Thức ăn nên được ép thành viên có đường kính 2,5 – 5 mm

- Thức ăn tự chế không nên bảo quản quá lâu (khoảng 15 ngày) và đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho tôm

- Ngoài ra, có thể bổ sung khoáng chất, chế phẩm sinh học, vitamin, chất kết dính … vào thức ăn.

- Nên dùng vó để kiểm tra lượng ăn của tôm nhằm điều chỉnh lượng ăn cho tôm

- Số lượng vó: 1 vó/1.000 m2 

- Lượng thức ăn cho vào vó khoảng 1 – 2% lượng ăn

- Thời gian canh vó khoảng 1,5 – 2 h sau khi cho tôm ăn

* Thu hoạch

- Trước khi thu hoạch 2 – 3 ngày, thay nước để kích thích tôm lột xác tốt. Thông thường có hai phương pháp thu hoạch: thu tỉa và thu toàn bộ.

      - Thu tỉa (sau 4 tháng nuôi):

  • Thu tỉa tôm lớn
  • Tôm nhỏ thả lại nuôi tiếp tục
  • Dùng lưới thu tỉa tôm lớn có mắt lưới 2a = 3 – 4 cm

- Thu hoạch toàn bộ:

  • Xả nước còn 40 – 50 cm, dùng lưới kéo sát đáy gom tôm lại và dùng vợt chuyển toàn bộ tôm đến nơi có nước sạch

- Ngoài ra, cần lưu ý đến các yếu tố như: thời điểm thu hoạch, điểm thu mua và bảo quản tôm nhằm bán được giá.

Mô hình nuôi cá chình kết hợp du lịch

Hợp tác xã nông nghiệp Suối Giàu

Địa chỉ: xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Điện thoại: 0908872891

Qui mô Hợp tác xã 20.000 m2 bao gồm: 05 bể nuôi cá chình thương phẩm; 02 bể ương cá chình bạch tử và 05 bể nuôi các đối tượng thủy sản khác (cá rô phi, cá lóc…). Lượng giống thả 200.000 con giống cá chình bạch tử (kích cỡ 10.000 con/kg), Sau 04 tháng ương, cá đạt kích cỡ 100 con/kg chuyển sang nuôi thương phẩm. Mật độ thả nuôi 02 con/m2 trên diện tích 10.000 m2. Thức ăn: cá biển, trùn quế kết hợp chế phẩm sinh học. Lượng ăn 5 – 7 % trọng lượng cá, cho ăn 2 lần/ngày (sáng sớm và chiều tối). Trong các bể nuôi thả các giá thể làm bằng ống nhựa PVC (Φ 200) làm nơi trú ẩn cho cá. Sau 20 – 24 tháng, cá đạt kích cỡ 0,6 – 0,8 kg/con tiến hành thu hoạch.  Sau 02 năm, sản lượng thu hoạch đạt 10 tấn. Chi phí đầu tư 2,2 tỷ đồng (giá thành sản xuất 220 ngàn đồng/kg). Thu nhập 4,5 tỷ đồng (giá bán 450 ngàn đồng/kg). Tỷ suất lợi nhuận đạt 104% trên vốn đầu tư.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng

1. Hộ Lê Minh Châu

Điện thoại: 0979886523

Địa chỉ: Ấp Lộc An, xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tổng quan về cơ sở: tổng diện tích 8.000 m2, gồm: 04 ao nuôi.

2. Hộ Nguyễn Trường Đại

Điện thoại: 0936947510

Địa chỉ: Ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tổng quan về cơ sở: tổng diện tích 38.000 m2, gồm 04 ao nuôi. Trong đó 65% là ao lắng, ao xử lý nước; 10% ao chứa – xử lý bùn thải; 25% ao nuôi. Ao nuôi được thiết kế theo hình tròn để tăng cường khả năng đảo nước, diện tích ao nuôi từ 1.200 – 1.400m2, sử dụng quạt nước và dàn oxy đáy, xiphong hằng ngày sau khi cho ăn, sau đó cấp nước lại theo tỷ lệ hao hụt. Cơ sở nuôi cho ăn hoàn toàn bằng máy, mỗi ao đặc 1 máy cho ăn cố định, được định lượng và thời gian, sản lượng trung bình 7 tấn/ao/vụ, 2 vụ/năm. Doanh thu mỗi năm đạt từ 1-1,2 tỷ.

Tóm tắt qui trình nuôi

Cơ sở có tổng diện tích 4ha, đang nuôi tôm 2 giai đoạn trên 4 ao nuôi, diện tích 3.600 m2. Chia thành 3 khu vực.

- Hệ thống ao chứa dùng đế cấp nước từ bên ngoài và được xử lý Chlorine trước khi đưa vào ao ương và ao nuôi.

- Hệ thống ao ương và nuôi lót bạt đáy, độ sâu 0,8 – 1,1 m, với hệ thống oxy đáy và che lưới lan. Ao ương thể tích từ 100 - 120 m3, có mái che, hay ương trong nhà kính. Ao nuôi được che lưới lan để hạn chế ánh nắng, địch hại.

- Hệ thống ao nuôi thâm canh trong ao đất có trãi bạt bờ, bạt đáy, lưới giăng, oxy đáy, giữa ao có hố chứa bùn thải (hố gas) ( 1,5m x 1,5m x 1m ) để hút chất thải ra ngoài hàng ngày.

         Các bước chuẩn bị như sau:

Bước 1 Cấp nước vào ao

- Nước từ ngoài cấp vào ao xử lý (được lọc kỹ qua túi lọc bằng vải kate nhằm lọc bỏ bớt trứng cá, giáp xác, rác…), Nước từ kênh rạch được bơm vào ao xử lý được diệt khuẩn đồng thời khi đang bơm vào, để lắng, xả tràn qua ao chứa nhằm để lắng tụ vật chất hữu cơ lơ lững, cho trứng cá và giáp xác nở hết thành ấu trùng để dễ tiêu diệt hơn và được xử lý bằng thuốc tím.

- Nước từ ao xử lý bơm sang ao lắng để trữ cấp cho ao ương và ao nuôi, tiếp tục diệt khuẩn bằng chlorine 30ppm.

- Khi đạt môi trường tối ưu bơm nước từ ao lắng, trữ nước sang ao ương để ương tôm, và cấp cho ao nuôi.

Bước 2 Thả giống vào ao ương (Giai đoạn 1)

- Cơ sở chọn thả Tôm giống đạt tiêu chuẩn: Tôm không mang các mầm bệnh mà hiện nay khoa học đã phát hiện thấy, phổ biến ở các loại tôm như bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đỏ đuôi (TSV), bệnh MBV.

- Tôm khoẻ, không dị hình, không có thương tích, các phụ bộ đầy đủ, các cơ đầy đặn, màu trong, ruột, dạ dày no, thích bơi ngược dòng, khi bơi hoạt bát, cơ thể ngay thẳng. Bên ngoài không có ký sinh trùng và vật khác. Luôn chọn tôm giống tại những trại, công ty giống có uy tín trên thị trường.

Mật độ ương: 4000 con/m3

Bước 3 Sang từ ao ương sang ao nuôi (Giai đoạn 2)

- Sau 25 - 30 ngày ương tiến hành sang tôm qua ao nuôi.

- Tôm từ bể ương được xả xuống ao nuôi bằng ống nước đặt trong bể thông với ao nuôi.

Mật độ nuôi: 200 - 300 con/m2

- Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các thông số kỹ thuật nuôi như: độ pH, độ kiềm, khí độc... bổ sung men vi sinh hàng ngày xuống ao để xử lý môi trường, tùy giai đoạn tôm mà canh liều lượng thích hợp, khoáng cũng được tăng cường thường xuyên cho ao nuôi.

- Việc xiphong ao được tiến hành sau khi cho tôm ăn, chất hữu cơ, vỏ tôm, xác tôm được đưa vào hầm biogas xử lý, sau đó chất thải sau xử lý chảy tràn ra ao chứa, lắng tụ, nước sạch chảy tràn ra ngoài tự nhiên, giảm thiểu đáng kể chất ô nhiễm. Vừa tận dụng nguồn chất thải sản xuất gas phụ vụ cho sinh hoạt tại cơ sở.

- Sau khi thu hoạch tôm, nước trong ao bơm qua ao xử lý và ao xử lý.

Nhìn chung, qua chuyến tham quan, học tập các hộ dân đánh giá có thể áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (hộ Nguyễn Trường Đại – Tỉnh Đồng Nai) tại thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc hiệu quả của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã được chứng minh qua 3 – 4 năm thực hiện mà mô hình giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do bùn thải từ ao nuôi. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất  tôm càng xanh toàn đực (Tỉnh Đồng Nai) có thể áp dụng tại một số huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi do chi phí đầu tư không cao và phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương. Ngoài ra, mô hình nuôi cá chình (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) kết hợp du lịch sinh thái cũng là một hướng phát triển cho thành phố Hồ Chí Minh.

Tin - ảnh: Trần Trung Can - Chuyên viên P.NTTS

Chi cục Thủy sản TP.HCM