Nguồn lợi hải sản các vùng biển Việt Nam suy giảm nghiêm trọng
(Thủy sản Việt Nam) - Sáng 27-10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi hải sản và định hướng về khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam. Tham dự có đại diện các Viện Nghiên cứu, Sở NN&PTNT các tỉnh... Thứ trưởng Vũ Văn Tám tham dự và chủ trì.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe hai báo cáo về nguồn lợi hải sản biển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 của Viện Nghiên cứu Hải sản và Định hướng quản lý nguồn lợi hải sản Việt Nam của Vụ Khai thác thủy sản.
Toàn cảnh Hội nghị báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi hải sản và định hướng về khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam
Ảnh: Hồng Thắm
Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu được điều tra, đánh giá gồm: nhóm cá nổi lớn với phạm vi điều tra là toàn bộ vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam bộ, giới hạn 6030N - 15030N và 113030E trở vào; nhóm cá nổi nhỏ phạm vi điều tra là toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế ở Vịnh Bắc bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ở khu vực miền Trung, giới hạn phạm vi điều tra, đánh giá về phía đông là kinh độ 110000E; nhóm hải sản tầng đáy (cá đáy, tôm, cua ghẹ, mực, bạch tuộc) có phạm vi điều tra từ đường đẳng sâu 180 m trở vào; nhóm cá sống trong vùng rạn san hô được điều tra tại 19 đảo ở vùng biển Việt Nam.
Về trữ lượng nguồn lợi, với giới hạn về phạm vi điều tra trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu gồm cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc trên toàn vùng biển được điều tra ước tính khoảng 4,36 triệu tấn (dao động 4,1 - 4,6 triệu tấn). Trữ lượng ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1.368 nghìn tấn, vùng khơi là 2.996 nghìn tấn. Trong đó, nhóm cá nổi nhỏ: 2.650 nghìn tấn; nhóm hải sản tầng đáy: 683 nghìn tấn; nhóm cá nổi lớn: 1.031 nghìn tấn. Trữ lượng ở vùng biển Vịnh Bắc bộ ước tính trung bình khoảng 757 nghìn tấn; Trung bộ và giữa Biển Đông khoảng 1,89 triệu tấn; Đông Nam bộ là 1.119 nghìn; Tây Nam bộ là 584 nghìn tấn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các kết quả điều tra trong giai đoạn 2011 - 2015 là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi, tổ chức lại khai thác hải sản trên các vùng biển, bảo vệ và phát triền nguồn lợi thủy sản và rà soát điều chỉnh các cơ chế, chính sách khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hội nghị sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện quy hoạch khai thác hải sản trên các phương diện; theo đó, số lượng nguồn lợi, tàu khai thác xa bờ sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, việc nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm cũng là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta khai thác một cách bền vững hiệu quả hơn, gắn liền với bảo tồn nguồn lợi cho mai sau.
Linh Chi
http://www.thuysanvietnam.com.vn/nguon-loi-hai-san-cac-vung-bien-viet-nam-suy-giam-nghiem-trong-article-16487.tsvn
Viết bình luận