SỰ HIỆN DIỆN PHIÊU SINH THỰC VẬT (TẢO) TRONG TỰ NHIÊN

BƯỚC ĐẦU GHI NHẬN SỰ HIỆN DIỆN PHIÊU SINH THỰC VẬT (TẢO) TRONG TỰ NHIÊN TẠI MỘT SỐ VÙNG NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ

        Trong quá trình thực hiện công tác thu mẫu quan trắc trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ, cán bộ kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm trạm Thủy sản An Nghĩa, Chi cục Thủy sản đã ghi nhận sự xuất hiện thường xuyên của một số loài phiêu sinh thực vật (tảo) tại một số vùng nuôi thủy sản tập trung, trong đó ngành tảo silic (Bacillariophyta) chiếm đa số với tỉ lệ 60% cấu trúc thành phần loài trên tổng số mẫu quan sát. Sự hiện diện của tảo có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá tính đa dạng sinh học cũng như xu hướng diễn biến chất lượng nước của thủy vực, góp phần tích cực trong nhiệm vụ quản lý chuyên môn của đơn vị.

        Bước đầu thực hiện quan sát phiêu sinh thực vật tại 4 địa điểm ngoài tự nhiên là các vị trí thu mẫu đầu nguồn cung cấp nước cho vùng nuôi thủy sản tập trung tại 4 xã phía bắc của huyện Cần Giờ (Hình 1.1) và thuộc 2 hệ thống sông lớn chảy qua Cần Giờ là sông Soài Rạp gồm các khu vực  kênh Hóc Hỏa (xã An Thới Đông), cống T3 (xã Lý Nhơn) và hệ thống sông Lòng Tàu gồm Rạch Đước (xã Bình Khánh), cầu Tắt Tây Đen (xã Tam Thôn Hiệp).

Hình 1.1: Bản đồ địa điểm thu mẫu nước tại các vùng nuôi thủy sản

        Thời gian quan sát mẫu tảo vào 2 thời điểm  đại diện cho 2 mùa trong năm là mùa nắng (2/2021) và mùa mưa (7/2021), mỗi vị trí thu 3 mẫu vào 2 kỳ con nước lớn của tháng. Mẫu nước được thu tại tầng mặt (sâu 30 cm) cùa dòng nước và chứa trong can nhựa 1.000 ml được bảo quản lạnh và được vận chuyển về phòng kiểm nghiệm trong thời gian 60 phút. Tại phòng kiểm nghiệm, mẫu nước được lắng tụ và lọc qua giấy lọc trước khi được quan sát bằng kính hiển vi ở vật kính 40X (Hình 1.2) tại phòng kiểm nghiệm trạm Thủy sản An Nghĩa – Chi cục Thủy sản.

        Kết quả khảo sát ghi nhận sự hiện diện của 10 loài trong 4 ngành: Vi khuẩn Lam (Cyanophyta), tảo Silic (Bacillariophyta), tảo Lục (Chlorophyta), tảo Mắt (Euglenophyta). Trong đó ngành tảo silic chiếm đa số với tỉ lệ 60% trong cấu trúc thành phần cả trong hai mùa, kế đến là tảo lục chiếm 20%, hai nhóm tảo lam và tảo mắt cùng được ghi nhận ở mức 10%. (Bảng 1).

        Theo Bảng 1 cho thấy sự hiện diện của các loài tảo có sự khác nhau giữa 2 thời điểm khảo sát, cụ thể các loài tảo xuất hiện nhiều hơn vào mùa nắng và ít hơn vào mùa mưa. Điều này cho thấy có sự tương đồng tỉ lệ thuận với độ mặn của thủy vực khi ghi nhận độ mặn tại các vị trí vào mùa nắng (2/2021) dao động từ 15 – 25 ‰ và mùa mưa (7/2021) dao động từ 5 – 13 ‰. Điển hình tại vị trí thu mẫu cống T3 (xã Lý Nhơn) độ mặn cao luôn cao nhất tại các thời điểm cho thấy tảo xuất hiện nhiều hơn so với các vị trí còn lại.

        Cũng theo Bảng 1 tại hầu hết các vị trí, tảo silic luôn xuất hiện và chiếm ưu thế cho thấy các thủy vực có chất lượng nước phù hợp cho nuôi thủy sản nước lợ do tảo silic là nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho ấu trùng tôm (Lưu Thị Thanh Trúc, 2014). Tuy nhiên, Bảng 1 cũng cho thấy sự xuất hiện của những nhóm tảo Melosira sp., Euglena sp.,trong đó tảo Melosira sp. thường xuất hiện tại các thủy vực giàu dinh dưỡng (Đặng Thị Sy, 2005) và đặc biệt với nhóm tảo mắt Euglena sp. là nhóm sinh vật chị thị thủy vực có nguy cơ bị ô nhiễm chất hữu cơ (Lưu Thị Thanh Trúc, 2014). Từ đó cho thấy, khu vực Rạch Đước (xã Bình Khánh) và công T3 (xã Lý Nhơn) nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm so với các khu vực còn lại, những hộ nuôi tôm trong khu vực lưu ý trong việc lấy nước ao nuôi cần chọn thời điểm cao triều của những kỳ nước lớn cũng như cập nhật những thông báo, khuyến cáo từ những đơn vị chuyên môn để có thêm thông tin cần thiết. Ngoài ra, những khu vực xuất hiện nhóm tảo lam (Anabaena sp.) cũng dễ gây ô nhiễm nguồn nước do loại tảo dạng sợi thường làm nhờn nước và có mùi hôi, trong trường hợp xảy ra hiện tượng nở hoa sẽ gây độc cho thủy sinh vật trong nước (Lưu Thị Thanh Trúc, 2014).   

 

Tài liệu tham khảo

[1] Đặng Thị Sy. Tảo học Phần 1, phần 2, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

[2] Lưu Thị Thanh Trúc. Thực hành chuẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, 2014.

 

Nguồn: Đoàn Ngân Hà - Trạm Thủy sản An Nghĩa, Chi cục Thủy sản