TARS 2021 được tổ chức trực tuyến trong các ngày 18-20 tháng 8/2021
Chuỗi Hội nghị Bàn tròn Nuôi trồng thủy sản (The Aquaculture Roundtable Series - TARS) được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011, là một nỗ lực định hướng của các bên liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc chia sẻ và trao đổi thông tin, kinh nghiệm vì một mục tiêu chung, phục vụ cho sự phát triển của ngành Nuôi trồng thủy sản trong các giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Chính vì vậy, Chuỗi Hội nghị Bàn tròn Nuôi trồng thủy sản (TARS) được đánh giá là một nền tảng tốt, phục vụ cho sự phát triển ngành Nuôi trồng thủy sản ở tất cả các khu vực (công, tư, học viện, các tổ chức chính phủ/phi chính phủ). Tại đó, mọi người có thể chia sẻ kiến thức mới, cùng nhau xem xét các vấn đề quan trọng, xác định chiến lược để cải thiện tình hình, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Vì lẽ đó, TARS đã được thiết kế dưới dạng một chuỗi các phiên họp/ hội nghị bàn tròn để tập trung vào các lĩnh vực cụ thể của ngành Nuôi trồng thủy sản.
Trong thập kỷ năm qua, TARS đã phủ kín nội dung ở các lĩnh vực sau: Thức ăn thủy sản (năm 2011, 2015, 2019); Nuôi tôm (năm 2012, 2014, 2016, 2018); Nuôi trồng thủy sản - các loài cá có vảy (năm 2013, 2017).
Theo kế hoạch hoạt động, năm nay TARS 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức mới – họp trực tuyến. Trọng tâm vẫn giống như cuộc họp trực tiếp ban đầu (được lên kế hoạch cho năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam).
Tất cả các bên liên quan đều đang ra sức tìm kiếm phương hướng để đưa ngành nuôi tôm của châu Á phát triển. Năm nay, TARS 2021 sẽ tập trung vào các nội dung “Thị trường - Lợi nhuận - Năng suất”. Hội nghị Bàn tròn Nuôi trồng thủy sản – TARS 2021 sẽ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 năm 2021. Trong mười năm qua, TARS đã tạo dựng được danh tiếng là Hội nghị Nuôi trồng thủy sản ở Châu Á. Mặc dù TARS 2021 sẽ là một phiên bản ảo, nhưng những người tham dự hoàn toàn có thể mong đợi chất lượng và kết quả tương tự như các sự kiện trực tiếp trước đó (về nội dung của các bài thuyết trình cũng như các cơ hội kết nối).
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức mới cho thị trường tôm châu Á nói riêng và thị trường tôm toàn cầu nói chung. Đó là sự thay đổi về nhu cầu tiêu thụ, thay đổi nguồn cung, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và những thay đổi trong sở thích tiêu dùng của thị trường. Nông ngư dân trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau (tùy thuộc vào tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 ở quốc gia họ). Bên cạnh đó còn có những thách thức dai dẳng là dịch bệnh thủy sản (đặc biệt là EHP, WFS, WSSV) đang tiếp tục tàn phá năng suất nuôi trồng. Chi phí sản xuất tăng, trong khi dịch bệnh đã khiến sản lượng thu hoạch giảm, đồng thời giá tôm trên thị trường quốc tế cũng giảm (kể từ tháng 4 năm 2018 do nguồn cung cao từ châu Á và châu Mỹ Latinh). Người nuôi tôm thua lỗ nặng nề.
TARS 2021 sẽ là cầu kết nối các bên hữu quan trong ngành Nuôi trồng thủy sản lại với nhau để giải quyết những gián đoạn và vấn đề nghiêm trọng này, đồng thời tìm kiếm các giải pháp sản xuất theo định hướng thị trường (market-led production) cũng như tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến để gia tăng hiệu quả sản xuất. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với tôm nuôi từ châu Á, thuyết phục thị trường thế giới về “sự phát triển bền vững của ngành hàng Tôm châu Á”.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn