Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Ngành thủy sản  Việt Nam và thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022

Ngày 01/4/2022, tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hoạt động Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2022) và thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022.

Tham dự Hoạt động Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2022) và thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022 có Hải đoàn 129, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp Hội Nuôi biển Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, cùng các tăng ni, phật tử, ngư dân, tổ chức, cá nhân và phóng viên báo chí đến đưa tin về hoạt động này.

Phát biểu khai mạc, Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ôn lại kỷ niệm những ngày đầu tháng 4 năm 1959, Bác Hồ về thăm làng cá trên các đảo Cô Tô, Tuần Châu tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà thành phố Hải Phòng. Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi cuộc sống và tình hình sản xuất hàng ngày của bà con ngư dân và Người đã căn dặn: "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ". Lời dạy của Người đã thành tuyên ngôn được khắc ghi trên lá cờ truyền thống của ngành Thủy sản trong suốt 63 năm qua. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 18/3/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 01 tháng 4 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam.

Đây là hoạt động tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam nhằm khơi dậy truyền thống Ngành, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của ngư dân, nông dân và công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực Thủy sản. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho mọi tầng lớp cộng đồng dân cư; thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng, ngoài việc tạo mọi điều kiện phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa Khu bảo tồn biển Cần Giờ vào danh mục khu bảo tồn biển trong Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó góp phần bảo vệ hệ sinh thái và các loài thủy sản quý hiếm, các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế vùng nước huyện Cần Giờ.

Các hoạt động kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ lần này, diễn ra trong 02 ngày. Ngày 01/4/2022, tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về an ninh biển đảo, khai thác, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi thủy sản lồng bè và phát triển nuôi thủy sản biển, qua đó giúp bà con ngư dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngày 02/4/2022, thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong đợt thả cá phóng sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản lần này, số lượng cá thả gồm 10.000 con Cá Mú Đen và 20.000  con Cá Chẽm (từ nguồn kinh phí xã hội hóa) được các đại biểu và tăng ni, phật tử và các tổ chức, cá nhân thả xuống khu vực sông Dần xây, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Cá Mú Đen và cá Chẽm là các loài thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế cao, có khả năng tái tạo và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên tại khu vực sông Dần Xây, huyện Cần Giờ.

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hằng năm, Chi cục Thủy sản đã vận động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đóng góp kinh phí để thả các loài giống thủy sản có giá trị kinh tế nhằm phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài hoạt động thả giống tái tạo Chi cục Thủy sản cũng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Tin - Bài viết: Hoàng Minh Trường - Chi cục Thủy sản