Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài 

 
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC),..Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025”.
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát  hành trình (VMS) cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động thủy sản; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trước khi rời bến đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại bến; 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng, bến lên cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Thành phố được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng của FAO-2009 (PSMA); ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng

tâm cho các Sở, ngành và các địa phương liên quan cụ thể:

Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chống khai thác IUU và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách về thủy sản; xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm cường lực khai thác, tăng không gian và thời gian cấm, hạn chế khai thác nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng ngư dân. Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các bến lên cá, khu neo đậu tránh trú bão,..

Cùng đó, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào bến, kiểm soát sản lượng thủy sản qua bến, quy định ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo quy định,.. Quản lý tổ đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, khai thác, sử dụng có hiệu quả thông tin, dữ liệu giám sát hành trình tàu cá. Thực hiện các giải pháp giám sát, phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn tàu cá, ngư dân Thành phố vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU, tập trung xử lý nghiêm, áp dụng biện pháp, chế tài mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp theo quy định.

Đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản,  rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến. Đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc khớp nối với tất cả các khâu trong chuỗi từ khai thác trên biển đến khi xuất khẩu.

Đồng thời, thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trong đó việc quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá cần quản lý chặt chẽ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản (KTTS); thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định về vùng cấm, thời gian cấm và nghề cấm hoạt động ở các vùng biển; tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định; tập trung nguồn lực hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị VMS cho tất cả các tàu cá theo quy định; tổ chức, rà soát lại tình hình hoạt động của tàu cá, thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép KTTS theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện của toàn bộ tàu cá khi rời cảng, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia KTTS.  Xử lý theo quy định tàu cá không nộp báo cáo, nhật ký khai thác theo quy định; kiểm soát toàn bộ sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định về khai thác IUU.

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giám sát tàu cá đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, chia sẻ, kết nối đồng bộ giữa các lực lượng chức năng có liên quan để theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa tàu và bờ, thường xuyên phát các bản tin cảnh báo thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin từ tàu cá liên quan đến tình trạng hoạt động của thiết bị VMS, tai nạn, sự cố nghề cá trên biển, các vụ việc tàu cá bị kiểm soát, bắt giữ, xử lý,.. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Song song là giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo số hóa quy trình nghiệp vụ theo dõi, giám sát sản phẩm hải sản từ khai thác theo toàn bộ chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Minh bạch hóa toàn bộ quá trình luân chuyển của sản phẩm hải sản  từ khai thác đảm bảo được xác nhận, chứng nhận không vi phạm khai thác IUU và truy xuất được nguồn gốc để chống gian lận thương mại.

Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Hiệp định PSMA.  Tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý và quy trình thực hiện việc thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn không để sản phẩm hải sản từ khai thác của nước ngoài vi phạm IUU xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho các lực lượng chức năng triển khai thực hiện Hiệp định PSMA,..

Thanh Thủy

Nguồn: Tổng cục Thủy sản (23-02-2023)