Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định

Ngày 31 tháng 3 năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đó, mục đích của Kế hoạch là nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 4310/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban  nhân dân Thành phố về phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

            Ủy ban nhân dân Thành phố đưa ra một số nội dung trọng tâm sau:

Triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023

 

Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngoài các mục tiêu trên,  Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể đến các Sở ngành, địa phương như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chủ động tham mưu, phối hợp các Sở, ban ngành có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững; Tổ chức triển khai, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá; hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo số hóa và được tích hợp trên một phần mềm dùng chung để quản lý, rà soát nguồn lực, tham mưu sắp xếp, kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng chống khai thác IUU để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt giữa các lực lượng chức năng của các đơnvị có liên quan.

Hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Khai thác, sử dụng, vận hành có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của tàu cá trên biển của Thành phố theo quy định và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại bến để xử lý khi có hành vi khai thác IUU.

Tổ chức thực hiện quản lý đóng mới tàu cá, nghề nghiệp khai thác trên các ngư  trường; kiểm soát sản lượng qua bến, thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ  khai thác. Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đúng quy định về thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, nguyên liệu hải sản nhập khẩu vào cảng biển Thành phố theo quy định.

Nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập tổ chức Kiểm ngư trên địa bàn Thành phố, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Kiểm ngư, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để quản lý hoạt động của tàu cá.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố: Bố trí, sắp xếp lực lượng kiểm soát biên phòng tại các điểm lên cá để kiểm soát hoạt động nghề cá; thực hiện kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tất cả tàu cá khi xuất bến đi khai thác thủy sản phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật; kiên quyết ngăn chặn, xử lý, không cho xuất bến đi khai thác đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU. Rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử kết quả kiểm soát tàu cá ra vào bến, đảm bảo hồ sơ dễ dàng được truy xuất.

Tập trung điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý hoặc do lực lượng chức năng trong nước phát hiện, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục. Phối hợp với Công an Thành phố điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Thành phố đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.  Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, điều tra các trường hợp tàu cá hoạt động ngoài tỉnh có nguy cơ, hành vi khai thác IUU.

Công an Thành phố: Tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả trong điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Thành phố đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác IUU. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý các hành vi khai thác IUU đối với tàu cá Thành phố hoạt động ngoài tỉnh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý các hành vi khai thác IUU đối với tàu cá Thành phố hoạt động ngoài tỉnh.

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác trao đổi thông tin dữ liệu dân cư phục vụ công tác quản lý lao động trên tàu cá theo quy định.

Cục Hải quan Thành phố: Tổ chức kiểm tra, từ chối không cho tàu nước ngoài cập cảng, sử dụng cảng nếu phát hiện tàu nước ngoài thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác vi phạm quy định về khai thác IUU theo đúng quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng. Cung cấp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về hoạt động nhập khẩu sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác khi có yêu cầu.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ: Tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên, cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) phải là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bến cá, khu neo đậu cho tàu cá tại Huyện đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư, quản lý hạ tầng nghề cá tại địa phương.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; lập danh sách số lượng tàu cá thực tế còn tồn tại và nguyên nhân chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản); tổ chức hướng dẫn, yêu cầu chủ tàu cá (tàu cá còn tồn tại và hoạt động) thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng điểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.

Chi cục Thủy sản - Hoàng Minh Trường