Từ nay tới 2030, giảm dần nghề khai thác không thân thiện với môi trường (22-01-2024)

Từ nay tới 2030, giảm dần nghề khai thác không thân thiện với môi trường (22-01-2024)

 
Theo “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Thủy sản Việt Nam sẽ tập trung triển khai các nội dung cụ thể như sau:
Từ nay tới 2030, giảm dần nghề khai thác không thân thiện với môi trường
Ảnh minh họa

Một là, Điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản đến năm 2030: Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề (phù hợp yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương). Hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Hai là, Bảo tồn biển: Rà soát, điều chỉnh diện tích, phân khu chức năng của các khu bảo tồn biển đã được thành lập và thành lập mới các khu bảo tồn biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, trang bị cơ sở vật chất cho các khu bảo tồn biển; xây dựng các trung tâm, trạm, cơ sở cứu hộ thú biển, rùa biển, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại một số khu bảo tồn biển.

Nuôi cấy bổ sung, phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tại các khu bảo tồn biển. Thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển; chính sách quản lý hiệu quả hợp phần biển tại các khu bảo tồn có hợp phần biển và hợp phần rừng. Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các khu bảo tồn biển.

Thí điểm giao tổ chức ngoài công lập quản lý khu bảo tồn biển nhằm phát huy trách nhiệm của các bên, huy động nguồn lực xã hội và năng lực quản lý tại chỗ cho công tác bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển trên phạm vi cả nước; quản lý và bảo vệ môi trường đối với các khu bảo tồn biển là các di sản thiên nhiên theo pháp luật về bảo vệ môi trường. Đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ làm việc tại các khu bảo tồn biển…

Ba là, Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản/ khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn/ khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản. Xây dựng và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: Kế hoạch quản lý và bảo tồn các loài thú biển/ Kế hoạch quản lý và bảo tồn các loài cá mập, cá đuối/ Đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam giai đoạn mới.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng/ rừng phòng hộ/ khu bảo tồn đất ngập nước. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Bốn là, Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản. Cụ thể: Thực hiện sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi. Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản.

Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản/ khu vực thủy sản con non tập trung sinh sống/ nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản. Đồng thời đánh giá hiệu quả hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản.

Năm là, Cộng đồng, tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, rà soát, tổ chức lại các hình thức tổ đội sản xuất trên biển theo hướng khai thác gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản; hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, thông báo các hành vi khai thác gây hại đến nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng ven bờ của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.

Tổ chức đối thoại, hợp tác giữa cấp quản lý với các bên liên quan như: các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội... đặc biệt là cộng đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Sáu là, Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản: Điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản con non ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa.

Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu bảo tồn biển/ khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản/ khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn/ rừng đặc dụng/ rừng phòng hộ; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Phối hợp với các lực lượng chức năng: thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, công an địa phương... thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, trong vùng nội địa. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thực thi pháp luật; nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật cho lực lượng kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành thủy sản.

Đề án/dự án ưu tiên thực hiện trong năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện “Quan trắc thường niên đa dạng sinh học và môi trường trong các khu bảo tồn biển đã được thành lập”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, tổ chức, đơn vị có liên quan để thực hiện “Đề án thí điểm giao tổ chức ngoài công lập quản lý khu bảo tồn biển”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với các Viện nghiên cứu và tổ chức liên quan thực hiện “Tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực vùng ven biển và nội địa”. Cụ thể là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản ở biển, hệ thống sông chính, hồ chứa lớn. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực vùng ven biển và nội địa trong phạm vi địa phương quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện “Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan thực hiện “Truyền thông nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị có liên quan thực hiện đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Viện nghiên cứu và tổ chức liên quan để tiến hành “Đánh giá ảnh hưởng của rác thải nhựa và các loại ô nhiễm trên biển đến nguồn lợi thủy sản”.

Giai đoạn 2025 – 2027

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Viện nghiên cứu và tổ chức liên quan thực hiện (i) “Điều tra, đánh giá mức độ gây hại của các nghề, ngư cụ khai thác thủy sản đến nguồn lợi thủy sản, môi trường và hệ sinh thái thủy sinh”; (ii) “Điều tra, đánh giá tác động và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh”.

Giai đoạn 2026 – 2030

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Viện nghiên cứu và tổ chức liên quan thực hiện “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu”.

Ngọc Thúy - FICen

Nguồng:https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/khai-th%C3%A1c-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/-khai-th%C3%A1c/doc-tin/020262/2024-01-26/tu-nay-toi-2030-giam-dan-nghe-khai-thac-khong-than-thien-voi-moi-truong